Để giải đáp cho mọi người về những bệnh da liễu thường gặp vào mùa hè nắng, nóng và những điều cần lưu ý khi chăm sóc da giúp làn da luôn khỏe mạnh, chúng tôi đã có buổi chia sẻ cùng Chuyên gia Hiền Anh, người có 20 năm kinh nghiệm trong ngành da liễu ngày hôm nay.
PV: Xin chào Chuyên gia Hiền Anh! Cảm ơn chuyên gia đã tham gia buổi chia sẻ ngày hôm nay.
PV: Vào mùa hè, khi thời tiết thay đổi dễ làm cơ thể mất nước và mệt mỏi nhiều hơn, sức chống đỡ bệnh tật kém nên rất dễ nhiễm bệnh, đặc biệt các bệnh liên quan về da liễu. Vậy những bệnh da liễu nào thường hay gặp phải trong thời tiết nắng, nóng của mùa hè thưa chuyên gia?
Chuyên gia Hiền Anh: Xin chào bạn, chào tất cả quý vị độc giả!
Chuyên gia Hiền Anh: Theo điều tra dịch tễ thì vào mùa hè, tỉ lệ mắc bệnh da liễu thường cao hơn so với các mùa trong năm. Một trong những vấn đề gặp nhiều nhất trong thời gian nắng, nóng này là mụn trứng cá. Thời tiết mùa hè nắng nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi hơn. Khi này, mồ hôi trộn lẫn với các vi khuẩn và dầu nhờn ở trên da có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông gây ra mụn trứng cá, thường xuất hiện nhiều ở những vùng da tuyến bã hoạt động mạnh như mặt, lưng và ngực.
PV: Vâng, theo chuyên gia có cách nào để hạn chế mụn trứng cá vào mùa hè không ạ? Đồng thời, có những lưu ý gì trong sinh hoạt và ăn uống để làm giảm nguy cơ bị mụn trứng cá không ạ?
Chuyên gia Hiền Anh: Mụn trứng cá thông thường sẽ xuất hiện ở lứa tuổi dậy thì, do các vấn đề liên quan đến tăng nội tiết tố, androgen tăng cao làm nồng độ testosterone tăng, kích thích hoạt động tăng tiết bã nhờn. Đây là nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá. Bên cạnh đó, những thói quen như thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, đồ cay, nóng, dầu mỡ, sử dụng đồ uống có ga, đồ uống chứa cồn, cafein, thức khuya, chạm tay lên mặt,… cũng là tác nhân gây mụn mà nhiều người không chú ý tới. Vì vậy để hạn chế mụn trứng cá, bạn cần những lưu ý về sinh hoạt, dinh dưỡng như sau:
- Hạn chế đồ cay nóng, dầu mỡ, đồ ăn nhanh
- Hạn chế sử dụng đồ uống có, đồ uống có cồn và đồ uống có cafein. Tốt nhất, hãy uống nước lọc, đảm bảo ít nhất đủ 2 lít mỗi ngày.
- Không thức khuya, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, áp lực kéo dài
- Chăm sóc da đều đặn mỗi ngày. Chi tiết cách chăm sóc da, bạn có thể theo dõi miễn phí tại Thư viện Da liễu Trực tuyến
PV: Quả thật, mụn trứng cá là vấn đề da liễu nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người. Tôi tin rằng, sau những chia sẻ của chuyên gia, các bệnh nhân mụn trứng cá sẽ có những kiến thức hữu ích trong quá trình điều trị. Xin mời chuyên gia tiếp tục chia sẻ ạ.
Chuyên gia Hiền Anh: Trong mùa hè, á sừng cũng là một bệnh lý cần phải lưu ý tới. Biểu hiện của bệnh thường xuất hiện ở lòng bàn tay và lòng bàn chân với những mụn nước li ti gây ngứa. Vào mùa khí hậu nóng bức, những vùng da tổn thương do á sừng sẽ bị nứt nẻ, bong tróc, sưng đỏ, để lâu phần da này sẽ toét ra, rướm máu gây đau đớn và khó khăn trong sinh hoạt. Nguyên nhân có thể do cơ địa, hệ miễn dịch kém, di truyền từ bố mẹ, da tiếp xúc trực tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất, chất tẩy rửa. Phần lớn bệnh nhân mắc là các đối tượng làm việc trong các khu công nghiệp hoặc sống trong các môi trường độc hại.
PV: Vậy với những bệnh nhân có đặc thù nghề nghiệp như chuyên gia đã kể trên thì phải làm như thế nào để điều trị cũng như xin chuyên gia đưa ra các lời khuyên, lưu ý cho các bệnh nhân để bệnh không bị tái phát hoặc trở nên nặng hơn ạ.
Chuyên gia Hiền Anh: Vâng, với bệnh lý này nổi bật lên là tình trạng khô da, vì vậy việc dùng kem dưỡng ẩm là vô cùng quan trọng, ngoài ra người bệnh nên hạn chế hết mức có thể việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, có thể dùng găng tay bảo hộ, găng tay lao động trong lúc làm việc. Bên cạnh đó, người bệnh cần giữ cho vùng da tổn thương được sạch sẽ, khô ráo, cắt ngắn móng tay móng chân, tuyệt đối không cọ xát hoặc gãi lên vùng da bị tổn thương vì dễ khiến vết thương bị nhiễm trùng, lở loét và lan rộng. Trong chế độ dinh dưỡng thì cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin tốt cho cơ thể như vitamin C, D, E.
PV: Theo chia sẻ của chuyên gia về bệnh á sừng, kem dưỡng da có vai trò rất quan trọng, yếu tố tiên quyết trong điều trị bệnh. Vậy ngoài á sừng, còn có bệnh da liễu nào vào mùa hè nhất thiết phải cần sử dụng kem dưỡng ẩm điều trị không thưa chuyên gia?
Chuyên gia Hiền Anh: Một bệnh da liễu thường mắc phải trong mùa hè cũng rất cần tới kem dưỡng ẩm điều trị là viêm da cơ địa, với trẻ em thì được biết tới nhiều hơn với tên gọi rôm sảy. Bệnh bùng phát khi nắng nóng kéo dài làm độ ẩm và nhiệt độ tăng quá cao khiến cơ thể rối loạn điều nhiệt, rối loạn tuần hoàn, thuận lợi cho bệnh viêm da cơ địa hình thành. Triệu chứng phổ biến của bệnh là mẩn đỏ và ngứa dẫn tới tình trạng bệnh nhân gãi nhiều gây tổn thương lớp biểu bì của da, tạo điều kiện cho vi trùng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây nên các bệnh viêm nhiễm. Khi điều trị viêm da cơ địa, cần có:
- Hoạt chất kháng histamin giảm ngứa
- Kem bôi khám khuẩn, kháng viêm
- Các loại sữa tắm, dầu gội không bọt, không xà phòng vừa sát khuẩn, vừa dưỡng ẩm cho da.
- Kem dưỡng ẩm. Đây là sản phẩm không thể thiếu trong quá trình điều trị viêm da cơ địa. Dưỡng ẩm tốt sẽ giúp cải thiện các triệu chứng khô và ngứa da, phục hồi chức năng hàng rào bảo vệ da.
PV: Hiện nay có nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà bị viêm da cơ địa, ông bà, bố mẹ thường tắm lá cho bé. Xin hỏi, theo chuyên gia, đây có phải là một cách chữa khoa học không ạ?
Chuyên gia Hiền Anh: Từ lâu thì những cách chữa dân gian, hay còn gọi là mẹo vẫn rất được ông bà, bố mẹ dùng để điều trị bệnh. Có những cách chữa dân gian có thể hiệu quả với tình trạng bệnh nhẹ, nhưng với viêm da cơ địa, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thì cách điều trị này thì không nên. Làn da các bé còn rất non nớt, thêm nữa môi trường ô nhiễm, nguồn nước, không khí không được đảm bảo nên việc điều trị bằng tắm rất dễ khiến tình trạng bệnh ở trẻ nặng hơn. Cách tốt nhất là chúng ta hãy thăm khám bác sĩ, sử dụng đúng thuốc, đúng bệnh, đúng liều lượng.
PV: Quay lại chủ đề của buổi chia sẻ ngày hôm nay, bệnh da liễu thường gặp vào mùa hè tiếp theo mà chuyên gia muốn chia sẻ là gì ạ?
Chuyên gia Hiền Anh: Vấn đề da liễu tiếp theo cần chú ý tới trong mùa hè đó là bệnh nấm da. Các loại nấm da mà chúng ta hay gặp đó là lang ben, nấm kẽ, nấm móng, nấm tóc, nấm da đầu. Triệu chứng là trên da có các mảng nổi nhẹ, có hình vòng hoặc bầu dục, có màu đỏ hoặc nâu và ngứa. Bệnh thường xuất hiện khi chúng ta đổ mồ hôi nhiều hoặc đồ ẩm ướt, đề kháng kém, rối loạn nội tiết, dùng thuốc ức chế miễn dịch, dùng kháng sinh dài ngày. Nấm da rất dễ lây ra các bộ phận khác trên cơ thể người bệnh và lây cho cả người khỏe mạnh do tiếp xúc với đồ cá nhân của người bị bệnh, tiếp xúc với vật bị nấm da.
PV: Bệnh nấm da dễ lây như vậy thì chúng ta cần lưu ý những gì để tránh việc lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh thưa chuyên gia?
Chuyên gia Hiền Anh: Khi có người bị nghi ngờ mắc bệnh nấm da thì người đó nên vệ sinh da thật sạch sẽ để da luôn được thoáng mát. Để tránh lây lan thì người nghi nhiễm bệnh không dùng chung đồ như khăn mặt, khăn tắm, chăn, ga, gối, ngủ chung giường với người khác.
PV: Vâng xin cảm ơn chuyên gia, vậy là chúng ta đã đi qua được 4 bệnh da liễu mà mùa hè hay mắc phải. Không biết bệnh lý cuối cùng mà chuyên gia muốn chia sẻ với mọi người là gì ạ?
Chuyên gia Hiền Anh: Bệnh lý cuối cùng tôi muốn chia sẻ trong buổi hôm nay tuy là một bệnh lành tính, không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều tới mặt thẩm mỹ, ngoại hình, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ. Đó chính là rám má, hay còn gọi là nám da. Đây là hiện tượng tăng sắc tố da do nồng độ melanin trong cơ thể cao hơn bình thường. Nguyên nhân gây nám rất đa dạng, gồm cả yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Yếu tố nội sinh như di truyền, rối loạn nội tiết làm hắc tố tăng trưởng sản xuất sắc tố và vận chuyển sang các tế bào thượng bì của da. Ngoài ra, một số loại hormone khác cũng có thể làm phát sinh bệnh như hormone tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến yên. Rám má hay gặp ở phụ nữ có thai do quá trình mang thai do lượng hormon như estrogen tăng cao. Về yếu tố ngoại sinh gây nám như ánh nắng mặt trời làm oxy hóa lipid ở lớp tế bào đáy, giải phóng các gốc tự do, kích thích các tế bào hắc tố sản xuất melanin.
PV: Với những bệnh lý về sắc tố da như nám, thời gian điều trị có nhanh không thưa chuyên gia?
Chuyên gia Hiền Anh: Những bệnh lý liên quan tới sắc tố da thì đòi hỏi người bệnh phải kiên trì theo phác đồ của bác sĩ, quá trình điều trị ít nhất từ 3 tháng trở lên tùy vào tình trạng của bệnh. Với việc điều trị nám da hay các bệnh da liễu về sắc tố da, chống nắng là yếu tố tiên quyết để trị bệnh. Người bệnh phải chống nắng tuyệt đối, dùng các biện pháp chống nắng như kem chống nắng có chỉ số SPF thích hợp hoặc chống nắng vật lý bằng khẩu trang vải, quần áo chống nắng kèm theo là các sản phẩm hỗ trợ quá trình điều trị.
PV: Như vậy theo chia sẻ của chuyên gia, 5 bệnh da liễu thường gặp vào mùa hè là mụn trứng cá, á sừng, viêm da cơ địa, nấm da và rám má. Những chia sẻ từ chuyên gia quả là những kiến thức, thông tin vô cùng hữu ích với mọi người. Hi vọng rằng buổi chia sẻ hôm nay với Chuyên gia Hiền Anh đã giúp mọi người có thêm kiến thức chăm sóc và bảo vệ da trước những tác nhân gây bệnh mùa hè này. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn chuyên gia đã tham gia buổi chia sẻ ngày hôm nay, chúc chuyên gia luôn khỏe mạnh và công tác tốt!