Cùng với việc giảm 1 cm độ dài của đùi, nguy cơ bị bệnh tiểu đường tăng 19% ở phụ nữ da trắng và 13% ở chị em Mỹ Latin. Đó là kết luận từ một nghiên cứu mới của Mỹ.
Theo các nhà khoa học, bản thân chiều dài đùi không phải là yếu tố nguy cơ, nhưng nó có thể phản ánh những rối loạn tăng trưởng ở thời kỳ bào thai – thủ phạm dẫn tới bệnh tiểu đường. Nói cách khác, một số yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển chiều dài đùi cũng có thể làm xuất hiện bệnh tiểu đường.
Các nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins (bang Baltimore, Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu chiều dài đùi của hơn 8.700 nam và nữ trưởng thành, rồi so sánh nó với tỷ lệ người bị tiểu đường và kháng insulin (dấu hiệu sớm của tiểu đường). Kết quả cho thấy, những người có đùi ngắn thường hay bị các bất thường nói trên hơn số còn lại. Độ dài trung bình của đùi ở nhóm không bị bệnh là 40,2 cm so với 39,1 cm ở nhóm kháng insulin và 38,3 ở
nhóm bị tiểu đường.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ gây tiểu đường như lứa tuổi, trọng lượng cơ thể, tiền sử gia đình và mức hoạt động thể chất, nhóm nghiên cứu thấy rằng mối liên hệ giữa đùi ngắn và bệnh tiểu đường vẫn còn ở các phụ nữ da trắng và Mỹ Latin, nhưng không thấy ở phụ nữ da đen và nam giới.
Những nghiên cứu trước đó ở châu Âu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa chiều dài toàn bộ chân và nguy cơ bị bệnh tiểu đường, theo đó người có chân ngắn hay bị bệnh hơn.