Một con số khủng khiếp, con số nếu tính toán còn cao hơn số người thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh. Bác sĩ cho rằng vì ở VN những bệnh nhân ung thư qua đời vì phát hiện trễ, không được chẩn báo sớm. Thế nhưng bảo hiểm y tế lại không thanh toán cho những xét nghiệm để sớm phát hiện, một vòng luẩn quẩn. Ở các nước phát triển, đến độ tuổi nào đó, y tế gởi giấy đến nhà đề nghị đi xét nghiệm, nội soi…làm những kỹ thuật y tế để sớm phát hiện bệnh.
Có dịp đi về miền quê, lại thấy dân mình chẳng ý thức về việc phòng bệnh. Đi phun thuốc trừ sâu mà chẳng lưu tâm đến việc bảo hộ, những chai thuốc độc địa đó khi dùng xong thì vất bừa bãi cạnh sông ngòi, hồ nước rồi lại dùng thứ nước đó cho sinh hoạt hàng ngày. Họ sử dụng hoá chất một cách thản nhiên và cũng chẳng bao giờ lưu tâm những chai thuốc đó xuất xứ từ đâu?
Hầu như thực phẩm bây giờ, thứ nào cũng có hoá chất. Càng văn minh, người ta càng nghĩ ra lắm thủ đoạn.
Hàng hoá chất nhập lậu từ Trung quốc tràn lan từ thành thị cho đến thôn quê, chẳng ai kiểm soát được. Lâu nay cứ bệnh là nghĩ đến thuốc lá, rượu bia, nhưng thật ra chính những loại hóa chất chúng ta đưa vào mồm hàng ngày mới là nguyên nhân chính. Cả dân tộc bị đầu độc. Cả mấy thế hệ bị đầu độc. Thế mà những người có trách nhiệm lại bó tay, không có biện pháp để cứu vãn. Lại có thêm những kẻ nhẫn tâm nhập thuốc giả về báo hại chính dân mình. Lại có thêm những kẻ vì lợi nhuận sẵn sàng đầu độc chính nhân dân mình. Bộ y tế bất lực nhìn những bệnh nhân quằn quại, đau đớn và chết mà không tìm được biện pháp cứu chữa.
Cán bộ lãnh đạo được ưu tiên chẩn đoán sớm, có bác sĩ riêng, có bệnh viện riêng, nhưng chớm bệnh đều được đi nước ngoài chữa bệnh. Còn dân đen chịu bốn người một giường, chen lấn nhau từ lúc khám bệnh cho đến khi điều trị, truyền thuốc vào người với giá cao, sạt cả cơ nghiệp mà không biết có phải thuốc thật không? Hố sâu cách biệt giữa kẻ có chức và nhân dân càng ngày càng rộng, không chỉ trong chuyện khám và chữa bệnh.