Thấy đứa bạn thân của mình quằn quại trên giường, vừa khóc vừa rên vì đau bụng, Trang (sinh viên năm thứ 3, Đại học Luật) quát: “Sao mày ngốc thế. Mua ngay một vỉ panadol về uống, đảm bảo không bao giờ đau bụng kinh nữa”. Nhưng liệu biện pháp của Trang có thật sự hiệu quả và tốt cho sức khỏe không?
Như người nhiều kinh nghiệm, Trang tiếp tục: “Có 10.000 đồng một vỉ, mỗi lần ‘bị’ uống 2 viên là đỡ đau ngay. Dại gì mà chịu khổ”. Trang chia sẻ, từ lúc dậy thì cô đã bị hành hạ bởi những cơn đau bụng kinh âm ỉ. Không ít lần bị tụt huyết áp ngay trên lớp học rồi phải nghỉ học mỗi khi đến kỳ. Mỗi lần như vậy, bố Trang đều bắt cô nhai gừng hoặc uống một ngụm rượu, cơn đau có phần giảm bớt.
Từ ngày lên đại học, Trang được mấy cô bạn mách nhau uống panadol. Thử và thấy hiệu nghiệm, Trang xem đây như “bí kíp”, thường truyền cho người khác. “Ngày xưa thấy các bạn có kinh, mà mình chưa thì cứ lo bị vô sinh. Đến lúc bị rồi mới thấy khổ. Những lúc đó thầm nghĩ sao làm con gái khổ thế. Từ ngày biết panadol trị được đau bụng kinh mình toàn mua cả vỉ về dùng dần, hiệu nghiệm lắm”, Trang bổ sung.
7 năm có kinh nguyệt, đồng nghĩa với ngần ấy năm Quỳnh Nga (23 tuổi) phải dùng tới thuốc giảm đau. Trước đây cô hay dùng mofen để giảm đau nhưng nghe bạn bè nói dùng thuốc này hại nên chuyển sang dùng thuốc khác. “Giờ mình dùng thuốc theo liều, lúc nào bị thì mua nên cũng không rõ người bán kê các loại thuốc gì”, Nga nói.
Nga cũng biết uống nhiều sẽ bị phụ thuộc nhưng đau quá không chịu được nên cô phải “làm liều”. “Mua thuốc ở quê còn rẻ, ngoài Hà Nội người ta kê đắt lắm. Mỗi lần kê mấy liều nhưng mình chỉ uống một liều đã đỡ nên lại để dành thuốc đó cho những tháng sau”, Nga tiết lộ.
Nhiều thiếu nữ khác còn bị những cơn đau bụng kinh hành hạ tới mức “chết đi sống lại”. Phạm Thị Báu (21 tuổi, Cao đẳng Ngân Hàng) từng nhập viện hơn 10 lần vì đau bụng kinh. “Cứ đến ngày là em thấy như địa ngục. Bụng đau, người lạnh toát, nôn thốc nôn tháo, chân tay lẩy bẩy, còn buồn nôn, đi ngoài nữa. Nhiều lần em bị đau dữ dội với các cơn co thắt, cơ thể mất hết sức lực. Mẹ phải cho em đi bệnh viện ở quê. Người ta chỉ phán một câu ‘lấy chồng sẽ khỏi’”, Báu kể.
Được bạn bè mách, Báu cũng uống nhiều loại thuốc giảm đau như mofen, Paracetamol, thuốc tránh thai… và thấy giảm bớt những cơn đau. “Thế nhưng uống nhiều bị nhờn thuốc hay sao ấy. Dạo này mỗi lần bị đau em phải uống 2 viên Paracetamol 500 mg/lần, ngày dùng 4 lần mà cũng không thấy đỡ”.
Theo Báu, cô chỉ dùng vài loại thuốc quen như trên. Các bạn còn mách nhau dùng nhiều thuốc khác mà cô không nhớ tên. “Ai cũng bảo uống cao ích mẫu dạng viên và dạng nước là tốt nhất nhưng nó khó uống, lại tác dụng chậm nên em cũng không ham”, Báu bổ sung.
Theo thạc sĩ Đông y Vũ Quốc Trung, đau bụng kinh trong Đông y gọi là “thống kinh”, chỉ triệu chứng đau bụng khi hành kinh. Nguyên nhân do huyết ứ (máu không lưu thông), huyết hư (thiếu máu), khí hư (khí yếu)… Trong y học hiện đại, cơ chế đau bụng kinh được giải thích là do khi hành kinh bị rối loạn nội tiết. Các niêm mạc ở tử cung bong ra gây chảy máu. Nếu hành kinh kéo dài, máu ra nhiều sẽ càng đau hơn.
Lương y Trung khuyên không nên dùng các loại thuốc giảm đau trị đau bụng kinh vì nó đều ít nhiều ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa. Một số loại thuốc giảm đau còn gây ức chế thần kinh.
“Các loại thuốc chống viêm, giảm đau tuy có tác dụng giảm đau nhanh nhưng cũng gây tác dụng phụ lên gan, thận, dạ dày như làm viêm loét dạ dày, độc gan, thận… Còn uống thuốc tránh thai có tác dụng làm mỏng nội mạc tử cung theo thời gian, giảm đau bụng kinh rõ rệt nhưng sẽ có hại đến khả năng sinh sản của các chị em, đồng thời nó còn làm tăng nguy cơ tim mạch, mỡ máu, nguy cơ tắc mạch…”, ông Trung phân tích.
Để an toàn và hiệu quả hơn, lương y Vũ Quốc Trung khuyên các chị em nên tìm đến các bài thuốc đông y gia truyền hoặc dân gian. Để giảm đau có thể massage nhẹ nhàng, chườm nóng, uống nước gừng hay ăn nhẹ. Trước khi đến kỳ vài ngày nên tránh các thực phẩm lạnh, nhiều gia vị, tươi sống. Trong kỳ kinh nên ăn ngải cứu…
“Tuyệt đối không được mách nhau dùng các loại thuốc vì ngoài những tác dụng phụ như trên, nhiều khi đau bụng kinh không phải là trạng thái sinh lý bình thường mà là biểu hiện của một số bệnh lý như bệnh lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, cổ tử cung chít hẹp, dính khoang tử cung…”, lương y Vũ Quốc Trung cho biết.